LEICA PORTRAIT | GEORGES YAMMINE: TĨNH LẶNG

Georges Yammine đã cống hiến cả cuộc đời mình cho 2 bộ môn nghệ thuật: Âm nhạc và Nhiếp Ảnh. Điều này thể hiện rõ nhất qua 2 vật bất ly thân: Cây đàn violin mà ông đã biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Qatar từ năm 2008 và máy ảnh Leica, nhờ nó mà ông đã trở thành Đại sứ Leica.

© Georges Yammine

© Georges Yammine

Georges Yammine sống tại Qatar, nơi người dân bắt buộc phải đeo găng tay do đại dịch COVID-19. Lớp phủ nhân tạo này đã cản trở sự kết nối giữa Nhạc công và nhạc cụ, hạn chế khả năng biểu đạt âm nhạc. Yammine đã tận dụng thời gian giãn cách xã hội để chuyển hướng tập trung của mình vào nhiếp ảnh. Ông cùng các đồng nghiệp của mình tưởng tượng sẽ như thế nào nếu găng tay vẫn tiếp tục được sử dụng sau đại dịch và điều đó liệu sẽ ảnh hưởng ra sao tới sự liên kết của các nghệ sĩ với những nhạc cụ của họ.

Trong cuộc phỏng vấn này, Georges Yammine sẽ chia sẻ về quá trình lên ý tưởng cho bộ ảnh Tĩnh Lặng (Silenced), sự liên quan của đôi bàn tay và sự tương tác giữa Âm nhạc và Nhiếp ảnh.

2.jpg

Với tư cách một Nhạc công, ông thấy có điểm tương đồng nào giữa nhạc cụ, máy ảnh và quá trình soạn nhạc?

Là một Nghệ sĩ violin và một Nhiếp ảnh gia, tôi thấy hai bộ môn nghệ thuật tác động tới nhau là một điều rất bình thường. Khi chơi violin, tôi có thể thấy những hình ảnh khác nhau, sau đó sẽ cố gắng phác họa lại thông qua máy ảnh của mình. Và khi chụp ảnh, tôi sẽ bố cục hình ảnh của mình dựa trên hòa âm và âm vực… hoặc dựa trên những gì Arnold Schönberg (nhà soạn nhạc & lý luận âm nhạc người Áo, 1874–1951) từng viết: “Hauptstimme và Nebenstimme” (Giọng chính và Giọng phụ).

Bằng cách nào ông có ý tưởng cho bộ ảnh Tĩnh Lặng này?

Ngay từ khoảng 40.000 năm trước, những hình ảnh đầu tiên của bàn tay con người đã được khắc họa trong những hang động ở khắp nơi trên Thế giới, một cách đồng thời và độc lập với nhau. Từ thời xa xưa, bàn tay đã thu hút con người như một vật dẫn truyền xung động tinh thần và cảm xúc, bao hàm những suy nghĩ và ý tưởng, biến chúng thành hiện thực, tạo ra hình dạng và âm thanh.

Đóng vai trò là một phương tiện biểu đạt không thể tách rời của các nghệ sĩ: bàn tay, được che lại với sự sợ hãi từng như một phương tiện trung gian truyền tải tiềm năng, giờ đã trở thành biểu tượng của sự giam cầm.

6.jpg

Theo ông, đại dịch có tác động gì đến cuộc sống của các Nhạc công nói riêng?

Một cách đột ngột và toàn lực, đại dịch đã buộc cả nghệ sĩ cũng như xã hội phải cùng đối mặt với câu hỏi về ý nghĩa cũng như giá trị của nghệ thuật: khi xem xét lại nguồn gốc của nhu cầu biểu đạt sáng tạo của con người, một lần nữa, người ta nhận ra rằng không gì có thể thay thế cho nghệ thuật. Nghệ thuật như một nơi ẩn náu, một điểm tham chiếu, một nguồn gốc sáng tạo, một phương tiện để mở rộng nhận thức của mỗi người, một sự hoàn thiện bản chất con người và là sự lý tưởng hóa cho sự tồn tại của con người.

Với tình hình hiện tại, sự đình trệ do đại dịch gây ra, đã làm tê liệt các Nhạc công trên toàn Thế giới. Việc phải thu mình vào những căn phòng kín, buộc phải rời xa khán phòng hòa nhạc và nhà hát opera quen thuộc, tách biệt khỏi thế giới quan của con người, đã khiến cho nhiều Nhạc công này rơi vào một Thế giới song song ngột ngạt, nơi mà trọng tâm dường như bị hướng tới sự sinh tồn và giải pháp kỹ thuật số dường như là lối thoát duy nhất dành cho nghệ thuật.

7.jpg

Nhân vật chính được chụp trong bộ ảnh Tĩnh Lặng của ông là ai?

Tôi chụp ảnh đồng nghiệp và bạn bè của mình, những người mà tôi đã cùng biểu diễn tại nhiều buổi hòa nhạc bị hoãn hoặc hủy... Trong những bức chân dung này, tôi muốn các Nhạc công thử tưởng tượng những chiếc găng tay nilon sẽ trở thành một phần của họ trong tương lai, với những đôi mắt nhắm nghiền bên cạnh nhạc cụ của họ.

Vậy còn về những bản nhạc phủ nilon thì sao?

Ý tưởng về tác phẩm sắp đặt này nảy ra trong đầu tôi sau khi một chiếc hộp găng tay vô tình rơi khỏi kệ và che phủ lên bản nhạc trong khi tôi đang tìm kiếm chiếc găng tay còn thiếu… Tôi nhìn thấy hình ảnh này ngay lập tức, sau đó sắp xếp ánh sáng và tạo ra bức ảnh tĩnh vật này.

10.jpg

Có duy nhất một nhạc cụ được làm giả trong bộ ảnh này, đó là một chiếc đàn phím điện tử (keyboard) được làm từ mút xốp. Ông có thể kể thêm về nhạc cụ độc đáo này không?

Thực ra, đây là một cây đàn piano kỹ thuật số có thể cuộn lại, thường được các ca sĩ sử dụng để luyện giọng ở hậu trường hoặc ở nhà, khi họ không có điều kiện sử dụng một cây đàn piano thực sự. Tôi quyết định đưa nó vào bộ ảnh để mang đến cách tiếp cận siêu thực tới cuộc sống thực tế của một nghệ sĩ dương cầm. Nhiều nghệ sĩ piano không sở hữu một cây đàn piano, giờ đây họ không những không thể chơi các buổi hòa nhạc, mà thậm chí còn không thể luyện tập ở nhà.

11.jpg

Tại sao ông chọn ảnh đen trắng thay vì ảnh màu?

Với ảnh đen trắng, tôi có thể loại bỏ rất nhiều sự phân tâm có thể làm xáo trộn sự tập trung vào biểu cảm của các Nhạc công.

Ông đã sử dụng loại ánh sáng nào và chúng có ý nghĩa như thế nào?

Đối với dự án này, tôi đã sử dụng ánh sáng đèn studio, vì nó phản ánh không khí của một buổi hòa nhạc và ánh đèn sân khấu. Nếu bóng tối với tôi có nghĩa là sự im lặng, thì ánh sáng là âm thanh. Và âm thanh có thể đẹp hay xấu, nhiều hay ít, sôi động hay phẳng lặng… Với tôi, ánh sáng đôi khi quan trọng hơn chính chủ thể; ánh sáng hoàn toàn có thể là chủ đề chính của bức ảnh.

Ông sử dụng hệ thống máy ảnh nào cho bộ ảnh Tĩnh Lặng và tại sao vậy?

Tôi sử dụng Leica M Monochrom (Typ 246) cùng với Noctilux-M 50 f/1.0, Summicron-M 35 f/2 và Summaron-M 28 f/5.6. Tôi thích vẻ tự nhiên của những ống kính này vì tôi thường sử dụng chúng trên Leica M6 và Monochrom, chúng mang lại chất lượng tốt nhất mà tôi tìm kiếm.

Sắp tới ông có dự án hay kế hoạch nào muốn chia sẻ không?

Trong những thời điểm khó khăn này, tôi nghĩ đến những nghệ sĩ lớn như Henri Matisse, Vincent van Gogh và Frida Kahlo, những người đã làm tốt nhất công việc của họ trong khi “cách ly”. Hiện tại, tôi đang thực hiện 2 dự án khác nhau, một dự án ngắn hạn và một dự án dài hạn. Không thể đi du lịch khiến việc thực hiện chúng rất khó khăn.

Vào mùa hè năm 2021, sẽ có các buổi hòa nhạc trực tiếp tại Thượng Hải: Bach suite for cello; và tôi sẽ có một bộ phim để trình chiếu cùng với dàn hoà âm. Dự án sẽ được công chiếu tại Nhà hát lớn Quảng Châu vào ngày 14 tháng 6 năm 2021 và Nhà hát Giao hưởng Thượng Hải vào ngày 18 tháng 7 năm 2021. Bạn có thể xem trước trên Instagram của tôi. Việc chuẩn bị tư liệu hình ảnh để làm phim quả là một thử thách thú vị. Tôi hy vọng, các buổi hòa nhạc sẽ có thể diễn ra đúng như dự kiến.

Về Georges Yammine

Sinh ra tại Zekrit, Lebanon, vào năm 1979, Georges Yammine chuyển đến Đức vào năm 1999 để học Violin tại Franz Liszt Hochschule ở Weimar. Ngoài âm nhạc, ông còn học Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học Bauhaus ở Weimar. Ông là thành viên của Dàn nhạc Divan Tây Đông từ năm 1999, và là thành viên của Dàn nhạc giao hưởng Qatar từ năm 2008.

Là một nhiếp ảnh gia tự học, ông có những tác phẩm được trưng bày tại Phòng trưng bày Leica Photokina Cologne (Đức), Phòng trưng bày Leica Salzburg (Áo), Qatar Visual Art Center, Đại học Brown Hoa Kỳ, Phòng trưng bày Mỹ thuật Bernheimer Lucerne (Thụy Sĩ), và Quỹ Barenboim Said Berlin (Đức). Năm 2014, ông xuất bản cuốn sách ảnh đầu tiên của mình, Funkelnde Hoffnung (A Spark of Hope), hợp tác với Maestro Daniel Barenboim tại triển lãm của ông ấy tại Photokina 2014.

14.jpg
Previous
Previous

LEICA PORTRAIT | CHRIS SUSPECT: SỰ HỖN LOẠN Ở ĐIỆN CAPITOL

Next
Next

LEICA PORTRAIT | THE INNOCENT - NHỮNG KẺ VÔ TỘI