LEICA PORTRAIT | KHÁM PHÁ VÀ QUAN SÁT CÙNG PIERRE BELHASSEN
Trong những chuyến hành trình khác nhau của mình, nhiếp ảnh gia người Pháp - Pierre Belhassen đã ghi lại theo bản năng những khoảnh khắc cực kỳ bắt mắt, những hình ảnh đậm chất thơ và giàu màu sắc.
Pierre Belhassen tự định nghĩa bản thân anh là một ‘người sáng tác hình ảnh’. Đường phố, hay nói rộng hơn là Thế giới bên ngoài, là một sân chơi rộng mở, nơi anh tìm thấy những phương thức biểu đạt của riêng mình. Nhiếp ảnh của Pierre không ghi nhận lại thực tế, mà đơn giản là sự quan sát bằng bản năng, giúp anh ngay lập tức có thể gần gũi với Thế giới xung quanh mình. Anh luôn thích ngắm nhìn, thích khám phá và thích quên đi khái niệm thời gian khi chụp.
- Chào Pierre Belhassen, anh đã trở thành một nhiếp ảnh gia như thế nào vậy?
Một ngày nọ, có một người đã đưa tôi một chiếc máy ảnh… và ngay lập tức tôi nhận ra tiềm năng của thiết bị này. Với nhiếp ảnh, vấn đề đặt ra không còn là thuật lại Thế giới xung quanh mình nữa, bản thân tôi có thể sáng tạo ra một Thế giới của riêng mình. Thậm chí tới tận bây giờ, tôi vẫn trên hành trình tiếp tục khám phá tiềm năng của nhiếp ảnh.
- Anh luôn tự định nghĩa bản thân là một ‘người sáng tác hình ảnh’. Khái niệm đó nên được hiểu ra sao?
Định nghĩa bản thân là một ‘người sáng tác hình ảnh’, bởi với tôi đó là cụm từ định nghĩa chính xác nhất cách tiếp cận nhiếp ảnh của mình. Những tác phẩm của tôi được tạo ra xoay quanh một tầm nhìn cụ thể, mang đặc quyền đưa cảm xúc vào trong tường thuật. Khi chụp ảnh, tôi luôn cố gắng biến những điều thực tế và tầm thường thành những mảnh cảm xúc thô, sau đó ghép chúng lại thông qua những bức ảnh để diễn đạt cảm xúc cho một ý tưởng lớn hơn.
Theo nghĩa này, cách tiếp cận của tôi khá giống với một nhà văn hay một nhạc sĩ: người này tìm kiếm sự hài hòa về ngôn từ, người kia tìm kiếm sự hài hòa về âm thanh. Về phần tôi, đó chính là hình ảnh.
- Anh có tự nhìn nhận mình là một Nhiếp ảnh gia đường phố không?
Không, tôi vẫn thích sử dụng cụm ‘người sáng tác hình ảnh’ hơn. Bởi tôi không hề muốn giới hạn những khả năng mà nhiếp ảnh có thể mang lại cho mình. Mặt khác, đúng là phần lớn hình ảnh của tôi được thực hiện trong bối cảnh đường phố, nơi các chủ thể, khung cảnh hay bối cảnh không hề nằm trong sự kiểm soát.
Tôi thích làm việc theo cách này bởi sự tự do mang lại rất nhiều sự ngẫu hứng cho hình ảnh của tôi. Làm theo cách này giống như mơ một giấc mơ vậy, những yếu tố về mặt hình ảnh luôn chảy không ngừng, và bạn phải xử lý bằng cách tìm ra câu chuyện và hình ảnh phù hợp.
- Vậy điều gì thu hút sự chú ý của anh?
Ánh sáng và màu sắc, mà tiện đây, với tôi, chúng là một. Tiếp đến là địa điểm chụp, mà bạn nên hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này, đó có thể là một đất nước, một thành phố, một khu phố hay chỉ là một căn phòng khách sạn đơn giản. Và cuối cùng là nội dung, thường được bộc lộ qua những cử chỉ hay chuyển động, là sự phản ánh bên trong của cảm xúc. Tôi luôn cố gắng để đạt được tất cả những yếu tố này trong cùng một bức ảnh.
- Anh thường tìm ‘khoảnh khắc quyết định’ của mình như thế nào? Anh có lời khuyên nào không?
Tôi nghĩ rằng không phải tôi là người tìm kiếm, những khoảnh khắc đó thường tìm đến tôi: Việc duy nhất tôi cần làm là sẵn sàng cho điều đó. Giống như Pasteur đã từng nói: “Cơ hội chỉ dành cho những người có tâm lý sẵn sàng”. Tôi nghĩ bạn phải thực sự tin tưởng vào những điều mình làm, đi bộ thật nhiều nữa và luôn sẵn sàng đón nhận những khoảnh khắc đó tới với mình.
- Anh thường dùng màu sắc như một phương thức biểu đạt như thế nào? Và điều gì quan trọng hơn: Bố cục hay Màu sắc?
Trước khi tiếp cận với nhiếp ảnh màu, tôi chủ yếu chụp ảnh đen trắng. Bố cục với tôi lúc đó là yếu tố cơ bản và thiết yếu. Khi thử nghiệm với màu sắc, tôi hiểu được sự ảnh hưởng mạnh mẽ của chúng tới hình ảnh, tôi đã phải thay đổi để cân bằng được tổng thể bức hình. Vậy là sau đó, tôi học cách chơi với hai khái niệm này cùng lúc.
Vai trò của màu sắc là cực kỳ quan trọng trong những bức ảnh của tôi. Mỗi màu sắc mang trong mình một mức độ cảm xúc riêng, và bảng màu mang lại cho tôi vô số khả năng để tạo ra cảm xúc.
- Anh thường sử dụng máy ảnh gì và tại sao vậy?
Tôi từng sử dụng một chiếc Leica M7 trong một thời gian dài, và bây giờ chủ yếu là với Leica M240, vẫn luôn được gắn chiếc ống Summicron 35mm f/2. Tôi sắp thử nghiệm với hệ thống Leica M10 và hy vọng sẽ có cơ hội chuyển qua dòng máy này sớm.
Hệ thống máy ảnh Leica M là công cụ lý tưởng với tôi. Chúng giống như những nhạc cụ dùng để sáng tác hơn là những công cụ đơn thuần. Tôi đã rất gắn bó với những chiếc Leica M, cũng giống như một người nhạc sĩ gắn bó với nhạc cụ của mình vậy.
- Sắp tới anh có dự án hay một kế hoạch nào muốn chia sẻ không?
Tôi đang thực hiện một chuyên khảo đầu tiên của mình, và hy vọng sẽ có cơ hội được giới thiệu tới các bạn sớm!
Pierre Belhassen sống tại Marseille, Pháp. Anh hiện tại thực hiện các dự án dài hạn và kể câu chuyện của mình thông qua sách ảnh, triển lãm và các phương tiện khác. Anh cho rằng, việc một người sau một quá trình dài học và làm, có thể vượt qua những giới hạn cố hữu để sáng tạo, là một điều thực sự phi thường.
Các tác phẩm của Pierre từng được xuất bản trên tạp chí M của Leica, báo ảnh Epic Stories, tạp chí LFI, Better photography, Courrier International và nhiều ấn phẩm khác. Anh từng triển lãm tại Voies Off Arles 2016, và 2015 FotoIstanbul Festival. Pierre Belhassen từng lọt vào vòng chung kết của 2016 LensCulture Street Photography Awards cũng như đạt giải Nhì của 2019 Miami Street Photography Festival.
Tìm hiểu thêm về nhiếp ảnh gia Pierre Belhassen tại:
- www.pierrebelhassen.com/
- www.instagram.com/pierre.belhassen/
Tổng hợp và biên dịch: Thành Đạt Trương / LeicaVietnam
__