LEICA PORTRAIT | SEBASTIÃO SALGADO: THẾ GIỚI QUAN VÀ NHIẾP ẢNH
Từ bỏ công việc của một Tiến sĩ Kinh tế học Sebastião Salgado bước chân vào nhiếp ảnh chuyên nghiệp từ năm 1973. Trong suốt sự nghiệp của mình, Salgado đã thực hiện nhiều bộ ảnh và đạt mọi giải thưởng danh giá và đã làm được nhiều hơn những gì một nhiếp ảnh gia có thể.
Từ Tiến sĩ Kinh tế học đến Nhà nhiếp ảnh Salgado
Nhà nhiếp ảnh người Brazil Sebastião Salgado (1944) vốn được đào tạo để trở thành một nhà kinh tế học, ông có bằng Thạc sĩ kinh tế tại Đại học São Paulo ở Brazil và tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ tại Pháp. Salgado đã từng làm việc cho Tổ chức Cà phê Quốc tế và thường tới Châu Phi trong những chuyến công tác cùng World Bank (Ngân hàng Thế giới).
Chuyện trở thành một nhà nhiếp ảnh tưởng như sẽ chẳng bao giờ xảy ra với Salgado cho đến năm ông 27 tuổi, Lélia Salgado – vợ ông theo học ngành kiến trúc tại Paris và cần có một chiếc máy ảnh để phục vụ cho công việc của bà. “Chúng tôi đã mua một chiếc máy ảnh, tôi nhìn vào bên trong nó, và cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi.” - Sebastião Salgado nói.
Sau đó chiếc máy ảnh đã trở thành của Sebastião Salgado, ông đã từ bỏ tất cả và trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Salgado đã thực hiện nhiều dự án ảnh dài hạn và lần lượt cho ra đời các bộ ảnh: Other Americas (1986), Sahel (1986), Workers (1993), Migrations và Portraits (2000), Africa (2007), Genesis (2014). Bên cạnh các dự án nhiếp ảnh được xuất bản thành sách, Salgado còn cho ra đời phim tài liệu “The Salt of the Earth” ghi lại quá trình chụp bộ ảnh Genesis của mình vào năm 2014. Bộ phim sau đó đã đạt Đề cử giải Oscar dành cho Phim Tài liệu xuất sắc nhất.
Ông đã làm việc cho nhiều hãng thông tấn lớn như Gamma, Sigma, và từng là Chủ tịch Magnum Photos Châu Âu trong nhiều năm… Vào năm 1994, Sebastião Salgado và vợ đã thành lập Amazonas Images tại Paris, một nhà xuất bản dành riêng cho các tác phẩm của ông.
Điều tạo nên nhiếp ảnh của riêng Salgado
Trên suốt chặng đường nhiếp ảnh của mình, Sebastião Salgado đã giành được mọi giải thưởng danh giá mà mọi nhiếp ảnh gia đều mơ ước, trong đó 2 giải thưởng nhiếp ảnh báo chí-tư liệu Leica Oskar Barnack vào năm 1985 và 1992. Cho đến nay, ông là nhà nhiếp ảnh duy nhất 2 lần đạt giải thưởng này.
Bên cạnh đó, Salgado còn nhận được Centenary Medal (Huân chương Thế kỷ) của Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh và là Thành viên Danh dự người nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Hoa Kỳ. Năm 2001, Sebastião Salgado trở thành Đại sứ Thiện chí của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).
Vậy nhiếp ảnh của Sebastião Salgado có điều gì đặc biệt khiến ông có thể đạt được giải thưởng và danh hiệu đó?
“Bạn nên có kiến thức tốt về lịch sử, địa chính trị, xã hội học và nhân chủng học để hiểu về xã hội mà chúng ta đang sống, cũng là để hiểu về chính bạn và nơi bạn đến, điều đó sẽ giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn. Sự khiếm khuyết về kiến thức sẽ khiến bạn bị hạn chế hơn nhiều so với việc thiếu hụt bất cứ khả năng kỹ thuật nào”. - Sebastião Salgado.
Nền tảng kiến thức của một Tiến sĩ Kinh tế học có ảnh hưởng lớn đến cách phát hiện vấn đề và tầm nhìn nhiếp ảnh của ông. Trong một bài phỏng vấn trên tờ The New York Times, Salgado đã chia sẻ:
“Kinh tế học mà tôi nghiên cứu không phải là kinh tế của quản trị kinh doanh, cũng không phải kinh tế vi mô. Tôi theo học kinh tế vĩ mô, đó là tài chính công, kinh tế chính trị, tôi nghiên cứu học thuyết kinh tế của Marx và Keynes. Trên thực tế, loại kinh tế học đó là một dạng xã hội học được định lượng, vì vậy những nền tảng đó đã khiến tôi được đào tạo bài bản. Tôi phải học, tôi phải đọc rất nhiều triết lý, khoa học chính trị, tôi phải đọc tất cả những thứ cho tôi một nền tảng vững chắc, và đó là một điều thật tuyệt vời. Vì thế, khi tôi trở thành một nhiếp ảnh gia, tôi đã có một loạt các công cụ để phân tích và tổng hợp, hiển nhiên là tất cả những thứ đó đã giúp tôi rất nhiều.”
Sebastião Salgado còn có thể nói 4-5 ngoại ngữ, điều này đã giúp ông dễ dàng giao tiếp hơn với những nhân vật trong bức hình mà mình ghi lại.
Để có góc nhìn sâu vào mọi khía cạnh của xã hội, một nhà nhiếp ảnh không đơn thuần chỉ cầm máy lên và chụp, mà cần trang bị thêm cho mình rất nhiều nền tảng kiến thức khác. “Khi bạn nhìn vào một nhiếp ảnh gia, anh ta là kết quả của những gì anh ta thụ hưởng” - Salgado nói.
"Nhưng tôi đã làm nhiều hơn thế..."
Sebastião Salgado đã từ bỏ công việc của một Nhà Kinh tế học và dành toàn bộ thời gian của mình cho nhiếp ảnh. Ông hoàn toàn chỉ chụp ảnh đen trắng, tất cả các dự án của ông đều được thực hiện trong nhiều năm.
“Rất nhiều người nói rằng tôi là một nhà báo nhiếp ảnh, một nhà nhiếp ảnh kiêm nhân chủng học hay một nhà hoạt động xã hội học kiêm nhiếp ảnh. Nhưng tôi đã làm nhiều hơn thế. Tôi coi nhiếp ảnh như chính cuộc đời mình. Tôi hoàn toàn sống trong nhiếp ảnh và thực hiện các dự án lâu dài…” – Salgado chia sẻ trong bài diễn thuyết của mình trên TED năm 2013.
Tuy nhiên, Sebastião Salgado cũng phải trả một cái giá cho việc trở thành một nhà nhiếp ảnh của những giải thưởng và danh hiệu.
Trong thời gian thực hiện bộ ảnh Migrations (Di cư) từ năm 1994 đến 2000, ông đã sống trong những ngày tháng vô cùng khó khăn như chính những người dân di cư mà ông chụp tại Rwanda (Đông Phi). Ông đã chứng kiến một Rwanda trong sự đau thương tuyệt đối và nhìn thấy cái chết của hàng nghìn người mỗi ngày. Nỗi đau khiến Salgado mất niềm tin vào cuộc sống và ông đã bị nhiễm Khuẩn tụ cầu.
Salgado bắt đầu bị nhiễm trùng khắp nơi và chảy máu. Ông trở về Paris khám bệnh và nhận được câu trả lời rằng: “Sebastião, ông không hề ốm, cơ thể ông hoàn toàn bình thường. Vấn đề đã xảy ra là khi ông nhìn thấy quá nhiều cái chết, ông cảm thấy như mình cũng đang chết. Ông phải dừng lại”.
Sebastião Salgado cảm thấy thất vọng về mọi thứ, thất vọng về cả chính nhiếp ảnh. Ông quyết định dừng lại tất cả để quay trở lại nơi mình sinh ra.
Và một hành trình mới được bắt đầu.
Xây dựng lại thiên đường
Salgado lớn lên trong khi Brazil chưa bước vào thời kỳ Kinh tế Thị trường. Gia đình ông sống trong một nông trại với 50% là rừng nhiệt đới. Nơi đây từng có hàng nghìn đầu gia súc. Ông đã được sống theo cách gần gũi với thiên nhiên nhất: "...Tôi sống với chim muôn và những con thú. Tôi bơi trong những dòng sống nhỏ nơi có những chú cá sấu". Nhưng khi trở về nhà, Salgado chỉ thấy một mảnh đất khô cằn đang dần chết chóc như chính ông lúc đó, 50% nay chỉ còn dưới 0,5% là rừng nhiệt đới. Đó là “một sự trái ngược vô cùng lớn, để xây dựng lên những đô thị, chúng ta đã phá huỷ mọi thứ xung quanh ta” - Sebastião Salgado kể lại.
Vào chính lúc đó, Lélia Salgado đã đưa ra một ý tưởng táo bạo: “Sebastião, anh luôn kể với em rằng anh đã lớn lên ở một thiên đường, vậy chúng ta hãy cùng xây dựng lại thiên đường đó. Chúng ta cùng nhau trồng lại rừng nhiệt đới đã từng tồn tại trước đây.”
Họ đã cùng nhau trồng hàng triệu cây con của 293 loài cây, làm trẻ hóa 1.502 mẫu rừng nhiệt đới ở vùng đất cằn cỗi tưởng như đã chết tại bang Minas Gerais (Brazil), quê hương của Sebastião Salgado.
Nhờ được chăm sóc tốt, khu vực được phủ xanh bởi vợ chồng Salgado đã phát triển mạnh mẽ trong 20 năm sau đó. Động vật hoang dã kéo nhau trở lại và sự im lặng chết chóc giờ đây đã được thay thế bằng âm thanh của các loài động vật.
Sự sống quay trở lại, và Sebastião Salgado cũng muốn quay trở lại với nhiếp ảnh một lần nữa. Ông thực hiện bộ ảnh Genesis, nhưng lần này chủ thể của ông không chỉ là con người. Ông muốn chụp tất cả các sinh vật khác, chụp lại thiên nhiên, và chụp con người trong một thời điểm như Sáng Thế (Genesis) - khi mà thế giới vừa được sinh ra và tất cả chúng ta sống cân bằng với thiên nhiên quanh mình.
Chiếc Leica M7 "biến thành" 100.000 cây xanh
Salgado thường sử dụng 3 máy ảnh Leica, mỗi máy được lắp với các ống kính có tiêu cự 28mm, 35mm và 90mm. Những chiếc máy Leica là bạn đồng hành của ông trong suốt những dự án ảnh dài hạn. Leica Camera AG đã tặng Sebastião Salgado bộ máy Leica M7 Titanium bản giới hạn kỷ niệm 50 năm dòng máy Leica M với số series 3.000.000 để tôn vinh những hi sinh và đóng góp to lớn của ông cho nền nhiếp ảnh.
Vào năm 2005, trong thời gian kêu gọi và gây dựng quỹ để trồng lại khu rừng nhiệt đới tại Brazil, Salgado đã gửi món quà này đến phiên đấu giá WestLicht. Bộ máy đã được bán với giá 90,000 euro, phá kỷ lục được ghi lại gần nhất vào năm 1945. Số tiền này đã giúp vợ chồng nhà Salgado trồng thêm được khoảng 100,000 cây xanh cho khu rừng nhiệt đới.
Sau phiên đấu giá đó, nhà nhiếp ảnh đã chia sẻ:
“Những người bạn thân mến của tôi, số tiền từ phiên đấu giá sẽ giúp chúng tôi trồng khoảng 100,000 cây xanh. Cảm ơn các bạn một lần nữa vì đã giúp chúng tôi thực hiện công việc và tiếp tục hi vọng bằng cách biến chiếc máy Leica độc nhất và uy tín này trở thành một khu rừng nhiệt đới.
Gửi tới các bạn với tất cả lòng chân thành,
Sebastião Salgado.”
Người phụ nữ luôn được nhắc tên
Trong bất cứ bài phỏng vấn hay bài diễn thuyết nào, Nhà nhiếp ảnh Sebastião Salgado cũng luôn nhắc tới tên một người phụ nữ, đó là Lélia Salgado. Ông luôn gọi bà là người bạn đồng hành, người phụ nữ tuyệt vời trong cuộc đời mà ông đã được gặp.
Nếu như không có Lélia, chúng ta sẽ chỉ có một Tiến sĩ Kinh tế học Sebastião Salgado. Nhưng nhờ có bà, chúng ta có thêm một nhà nhiếp ảnh vĩ đại. Nhờ có chiếc máy ảnh của Lélia mà Sebastião Salgado đã bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh từ tuổi 28, bà là người đã đồng hành cùng ông trong suốt những dự án cá nhân dài hạn, và cũng chính bà, người đưa ra ý tưởng táo bạo trồng lại cả một khu rừng nhiệt đới.
Giá trị chúng ta có thể nhìn thấy ở một Nhà nhiếp ảnh như Sebastião Salgado không chỉ là về học vấn, nhân sinh quan, những bức ảnh nói lên những vấn đề xã hội, mà còn ở cách ông tôn trọng và trân trọng người phụ nữ của cuộc đời mình.
Kết
Salgado là một nhà nhiếp ảnh có học vấn cao, một nhân sinh quan rộng mở và ông đã tạo ra những bức ảnh đầy giá trị. Ông là một ví dụ điển hình cho thấy thiết bị trong nhiếp ảnh chỉ đóng vai trò thứ yếu. Giá trị của nhiếp ảnh đến từ chính con người, và những thiết bị những nhà nhiếp ảnh sử dụng từ đó cũng trở nên có giá trị.
Những chiếc máy ảnh Leica cũng vậy, luôn may mắn được những nhà nhiếp ảnh lớn như Sebastião Salgado tin tưởng lựa chọn, và có cơ hội gắn liền với những câu chuyện lịch sử thú vị và ý nghĩa như chiếc Leica M7 Titanium có thể dựng lên cả một rừng nhiệt đới. Đó luôn là điều mà Leica Camera AG trân trọng.
Nguồn tham khảo:
1. Anatomy Films, Sebastião Salgado – Honor Above Image.
2. Larry Rohter, Sebastião Salgado’s Journey From Brazil to the World, The New York Time, 2015.
Bản dịch Matca, Sebastião Salgado: Từ Brazil Ra Thế Giới.
3. LFI, M7 TITANIUM (2004).
4. Sebastião Salgado, The silent drama of photography, TED Talk, 2013.